Mây Lang Thang
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Những bài viết của TCS

Go down

Những bài viết của TCS  Empty Những bài viết của TCS

Bài gửi  nguyen Sat Feb 26, 2011 4:19 pm

Kinh Việt Nam

Trịnh Công Sơn

Kinh Việt Nam là những tiếng kêu thương thống thiết, khởi từ một thực trạng máu xương.
Kinh Việt Nam cũng là lòng mơ ước về một rạng đông cho đêm tối dài lâu nầy.
Những bài ca được viết từ những hân hoan lắng nghe được trong lòng người.
Ðó là nỗi hân hoan của đám đông chờ mong ngày hồi sinh.
Ðã có điều gì không thật suốt hai mươi năm nay. Một lầm lỡ đã lên đường và phải đi cho trót con đường máu xương. Như một mũi tên vô tri bỗng lỗi thời trong một nhiệm kỳ vô định.
Chúng ta, dù muốn dù không, bị biến thành những mũi tên đinh hướng được bắn đi từ những đồ hình huy hoàng tưởng tượng và ngần hạn. Dân ta tàn phế hai mươi năm. Nước mắt và máu đã làm thành những con suối lớn chảy mòn tiềm lực sáng tạo.
Ðến lúc chúng ta phải dừng tay và nhìn lại.
Xác thân anh em thừa đủ biến thành con đập lớn ngăn chận những mưu toan phi nhân.
Ðã mười năm nay, anh em ta săn đuổi nhau bằng hận thù giả tạo. Không thể có một thứ hạnh phúc nào chờ đợi ta sau cuộc săn đuổi dài hạn đó.
Hố tham đã mở ra dưới chân dân tộc nầy. Lương tâm con người đang trên đà bị phát mãi. ở cuối chân trời Việt Nam, những tia nắng nghèo nàn và bệnh hoạn từ một mặt trời hết sinh khí sắp đi vào hôn mê.
Xin hãy dừng tay và cùng chờ nhìn một mặt trời tươi trẻ sẽ được khai sinh ở phương Ðông .Xin hãy dừng tay để mọi căn nhà Việt Nam có thể mở rộng cửa chờ đón một sớm mai hòa bình.
Còn rất nhiều con đường mở ra cho tương lai chúng ta. Những con đường đưa ta về dựng lại một tổ quốc đích thực.
Xin hãy dừng tay đề được nghe ba mươi mốt triệu tiếng hò reo trong cùng một phút hân hoan. Ðể cho con sông, dòng suối, núi rừng và mặt đất cằn khô nầy được thở lại điều hòa.
Tiếng hát đã có thê cất lên để nuôi lớn ước mơ.
Ta đã có sẵn một hành trang quý giá của hơn bốn nghìn năm đê còn mãi bước đi trên những lộ trình mới về tương lai.
Ta phải đi tới bằng con tim sứ giả mang niêm tin và lời hứa hẹn cửa những người đã nằm xuống.
Ta phải tìm lại quê hương bằng sức sống mãnh liệt vì trong cơ thể ta đã luân lưu thêm dòng máu của anh em không còn.
Quanh đây, những trường học, những bệnh viện, những đình làng, những phiên chợ, những cánh đồng sẽ được bắt đầu lại với những ngày nhân đạo, với một dân tộc nhân bản.
Xin đừng bao giờ làm kẻ phản bội với một quá khứ hiển linh.

1968



nguồn: www.shcd.de

nguyen

Tổng số bài gửi : 90
Join date : 12/10/2010

Về Đầu Trang Go down

Những bài viết của TCS  Empty Re: Những bài viết của TCS

Bài gửi  nguyen Sat Feb 26, 2011 4:20 pm

Mái nhà

Trịnh Công Sơn

Hình như chữ "quê nhà" phải được hiểu là ở quê hương đó có một mái nhà của mình. Vì có một mái nhà nên dù lưu lạc ở nơi đất khách quê người thường vẫn có một nỗi hoài hương. Muốn về để được đặt bàn chân lên thềm, để ngắm nhìn lại những kỷ niệm đã trở thành linh hồn của mỗi nơi nằm, ngồi, đi, đứng.
Căn nhà có thể nhỏ, lớn, rộng, hẹp nhưng những kích thước ấy phải mang đầy đủ linh hồn của mỗi đời người mới khiến mình tìm được đầy đủ sự yên lành khi trở về.

Mỗi căn nhà, khi có điều kiện, thường phải là một phản ánh gần như trung thực tâm hồn của con người cư ngụ trong nó.

Có người khách lạ đến nhà chỉ cần nhìn kiến trúc và cách bày biện, sắp xếp trong nhà - architecture et décor intérieur, có thể biết ngay chủ nhân của nó là ai, thuộc thành phần nào trong xã hội.

Trong những ngày bão giông, nắng cháy, mưa dầm, không thể nào không thấy gợn lên trong lòng một nỗi biết ơn thầm kín dành cho người đã nghĩ ra một nơi cư trú cho con người.

Không có bất cứ một sinh vật nào trên mặt đất này mà không có một nơi chốn cư ngụ riêng. Từ loài có cánh cho đến loài đi trên mặt đất rồi loài bơi lội dưới biển sông.

Con người vì một sự thông minh thiên phú đã biết biến nơi cõi tạm này thành một chốn cư trú đầy huyễn hoặc. Nhà cửa, đền đài trên mặt đất cứ theo thời gian mà lung linh, biến hóa, thay hình đổi dạng theo sự sáng tạo của con người.

Mái nhà là một tiếng có một âm vang tình cảm sâu kín trong lòng mỗi con người. Chỉ có ở đó mình mới tìm thấy được mình đầy đủ nhất. Ðó là cái nôi thứ hai ru mỗi đời người khi lớn lên. Vì vậy mỗi người phải cố gắng đừng bao giờ để dưới mái nhà ấy có một địa ngục. Vẫn có những kẻ đã rời bỏ mái nhà đi không một chút tiếc thương nhưng kể từ đó trong tâm hồn người ấy sẽ không bao giờ còn sự bình an nữa.

Rứt bỏ mái nhà để ra đi cũng như phụ rẫy một tình yêu. Mái nhà ở lại hoàn toàn vô tội. Mái nhà vẫn chờ cửa để đón người trở về nhưng người ra đi thì không bao giờ kéo được mái nhà về với mình nữa.

Có được một mái nhà riêng trong lúc sống là một hạnh phúc. Nhất là mái nhà ấy là hình ảnh của chính mình.

Trong những ngày cuối năm này tôi cùng mấy người em suốt ngày đứng trông coi những người thợ xây mộ cho mẹ tôi. Mộ cũng là một thứ kiến trúc dùng làm nơi cư ngụ cho một người không còn sống.

Thường ở các nghĩa trang, mộ được xây theo một kiểu mẫu đồng dạng. Ðó là một loại nhà tập thể cho những người đã khuất. Nhìn vào thấy buồn, ngậm ngùi và sự vô nghĩa của cái chết càng vô nghĩa hơn.

Có một kiến trúc sư tôi không còn nhớ tên, cũng vì sự buồn bã trên, đã tự mình biến tất cả các ngôi mộ trong nghĩa trang mà anh có người thân đã mất thành những tảng màu đá ghép - mosaique. Và từ đó nghĩa trang trở thành một vườn chơi cho trẻ em. Người sống và người chết đã có một sự giao lưu mới và cuộc đời bỗng nhân ái hơn.

Tôi mong là mẹ tôi cũng vậy. Nhờ những người bạn kiến trúc giúp thể hiện trên bản vẽ những ý nghĩ của tôi và cũng là tâm hồn của chính mẹ tôi, chúng tôi đã có được một giường nằm cho mẹ thật nhàn nhã, nhẹ nhàng và thanh thoát. Ðó không phải là một ngôi mộ mà chỉ là nơi yên nghỉ của một con người. ở đó không có dấu vết u ám của cái chết mà chỉ là lời từ biệt của một con người đã có lời hứa với riêng tôi sẽ còn gặp nhau ở năm 2000.

Kiến trúc không chỉ là cái đẹp mà phải mang trong nó lòng nhân ái nữa. Nghĩa là một cái đẹp có tâm hồn.

ST.


nguyen

Tổng số bài gửi : 90
Join date : 12/10/2010

Về Đầu Trang Go down

Những bài viết của TCS  Empty Re: Những bài viết của TCS

Bài gửi  nguyen Sat Feb 26, 2011 4:21 pm

Mẹ Và Tôi

Trịnh Công Sơn

Khi một người mất mẹ ở tuổi năm mươi, điều ấy có nghĩa là không còn gì có thể dàn xếp được. cái sa mạc để lại trong lòng bạn cứ thế mỗi ngày mỗi lan rộng ra và cõi lòng bạn thì tan nát như một cánh đồng xanh tươi vừa trải qua một cơn bão lớn.
Bạn tự nhủ lòng rồi ngày mai sẽ khá hơn nhưng điều ấy không bao giờ có được.
Khi một người mồ côi mẹ ở tuổi năm mươi, thì điều ấy có nghĩa là cái chỗ trống trên giường mẹ nằm sẽ mãi mãi là một khoảng không hiu quạnh những sáng, trưa, chiều, tối.
Bạn sẽ đứng nhìn cái gối mẹ thường nằm mỗi ngày và bật khóc.
Bạn ngồi lại bên mép giường của mẹ và hiểu rằng từ đây bạn sẽ không còn được mẹ trách móc một điều gì nữa.
Khi một người đã năm mươi tuổi mà vẫn sống một mình và mẹ cũng một mình (vì ba mất sớm), thì mẹ và ngườI ấy là hai ngườI bạn.
Hai người bạn đã cùng nhau chia xẻ những buồn vui trong cuộc đời nhưng mẹ bao giờ cũng là người thiệt thòi nhất vì mẹ bao giờ cũng thấy con mình là một đứa trẻ và do đó mẹ đã chăm sóc con trên từng giấc ngủ, trong từng bữa ăn.
Và cũng chính mẹ sẽ rời bỏ mọi cuộc vui để không rời bạn khi đau ốm.
Không có bài hát nào nói đủ về mẹ.
Mất mẹ là mất đi một tài sản lớn nhất trong toàn bộ sự giàu có của một đời người.
Khi cúi xuống hôn vầng trán lạnh lẽo của mẹ, tôi biết rằng từ nay sự lạnh lẽo ấy sẽ dần dần tràn ngập trái tim tôi.
Sự lạnh lẽo ấy là một nhắc nhở cần thiết như một giòng kinh sám hối đòi hỏi mỗi người phải gieo cấy lại những hạt mầm đức hạnh trong tâm hồn mình trước cuộc đời.
Mỗi người tình có thể ác độc với bạn nhưng trong lòng người mẹ thì chỉ có từ tâm.
Sự ác độc mang đến giá băng trong lòng bạn và chỉ có hủy diệt chứ không thể nào làm sinh nở một điều gì tốt lành.
Chỉ có ở người mẹ, bạn mới có thể tìm được lòng chung thủy tuyệt đối.
Khi mẹ mất rồi thì bạn hãy tin chắc rằng không thể ở nơi nào có một lòng chung thủy tương tự như vậy nữa, bởi vì đối với mẹ, bạn là mục đích đầu tiên và sau cùng.
Khi một người tình cho bạn một tình yêu thì trong trái ngọt đã có thêm mùi vị của cay đắng.
Tình yêu của mẹ là không vụ lợi.
Ở trái tim người mẹ chỉ có sự tràn đầy, không có bớt đi hoặc thêm vào gì nữa.
Nếu thân xác đi mà linh hồn vẫn còn lại thì bạn hãy tin rằng ,mẹ sẽ là người đau khổ nhất chứ không phải là bạn.
Ở nơi linh hồn đó, mẹ biết rằng từ nay không còn ai đủ tình yêu để chăm sóc và an ủi bạn trong những phiền muộn chập chùng của cuộc đời.
Một người năm mươi tuổi mất mẹ, thì đau khổ hơn trẻ lên năm, bởi vì người ấy không còn hy vọng gì ở tương lai nữa.
Mất mẹ là mất một phần lớn của cuộc vui muốn được đền đáp, chia xẻ.



nguồn: Văn Nghệ

nguyen

Tổng số bài gửi : 90
Join date : 12/10/2010

Về Đầu Trang Go down

Những bài viết của TCS  Empty Re: Những bài viết của TCS

Bài gửi  nguyen Sat Feb 26, 2011 4:22 pm

Mở Theo Lời Điệu

Trịnh Công Sơn

Bao la là tiếng nói của độ lượng. Đời không thấy tha thứ cho nhau mà vẫn mơ ước bao la. Ai cũng thích những cánh đồng mênh mông, những chân trời rộng mở. Sao mà lắt léo thế? Con người luôn luôn sẵn sàng tham dự những chuyến đi bồng bềnh, sảng khói với những chân trời không thấy. Thèm gió bể khơi. Thèm núi đồi trùng điệp. Hân hoan reo ca cùng chim chóc. Nâng niu những hoa đồng cỏ nội. Ai cũng thế. Không riêng ai. Đến với đất trời như những đứa con của vũ trụ, mà tấm lòng thì đóng kín tối tăm. Sao mà biển lận với trời đất quá vậy?

Đời đã mở cho ta những cõi rộng. Mà lòng nhân gian thì quá hẹp hòi. Có cái gì bất trắc mà nẩy sinh như thế. Đã vậy thì không nên sàm sỡ thốt tiếng bao la, mở lời rộng rãi. Đánh lừa thiên hạ còn khả thứ. Đừng bất kính với đất trời. Chưa bao giờ đóa sen, đóa hồng nở một cách gian dối. Lòng không nở được một điều gì tốt đẹp thì thôi. Đừng ép gượng.

Con người ta cũng hay đấy chứ. Dễ quên có phải là cái vốn liếng ở đời? Sống với người thì hẹp. Hẹp quá! Mai đây ra đứng trước cõi bao la thì nói chuyện phiêu bồng. Vả chăng, trời đất cũng dễ tính. Làm gì có chuyện trời đất ganh đua với người. Có chăng, chỉ là ganh với hồng nhan, với tài mệnh.

Thế ra, ông Trời cũng khéo lắm. Cũng bày ra những cuộc chơi riêng. Chơi với kẻ tương xứng. Hiểu ra như thế thì những định mệnh nổi trôi mới khỏi buồn.

Thời nào cũng có những hồng nhan đa truân. Bất cứ ở đâu. Kiều năm xưa hay Kiều nay thì cũng vậy. Gặp được người đồng điệu thì nói ngay tiếng nặng tình. Tinh lắm. Đã gặp được thì không bao giờ gieo lời mắc mỏ. Làm vậy, không những xấu mặc, mà xấu lòng.

Hình như có sự xếp đặt của ai đây. Bàn tay ghép gán quả là tài tình lắm. Tài tình và tài tử. Tài tử trong cái nghĩ ẩn báu lộng ngọc của cuộc đời. Bởi khi ta chạm đến tấm lòng quí giá kia của Kiều thì lập tức ta gặp cái bao la của trời đất. Hay lắm! Quỷ quyệt đến thế thì hết sức.

Và cái bao la kia là gì vậy? Là gì mà ai nấy đều nặng lòng với? Có kẻ đứng trước bao la mà không thấy được bao la. Có kẻ ở buổi bình minh, nghe tiếng chim hót đã chạm mặt với cõi vô lượng. Biết được vô lượng là cùng lúc đến với vô biên. Hay đôi khi gắn bó, hòa lẫn với nhau trong một cuộc hôn phối son sắt. Qua tay kẻ phàm nhân, cái vô biên được ví von đối chiếu nghịch lý với cuộc đời hữu hạn của con người. Nhưng nếu rảnh rỗi một chút hãy ra nhìn sông nước thử. Cái vô biên nằm đâu đó trên cánh vạc chở hoàng hôn về núi mỗi chiều.

Chạm đến vô biên là nhắc nhở cái lý sinh tử ở đời. Là muốn tầm tích con đường vô định của sự sống chết. Thường khi nó gây nên sự buồn bã không nguôi trong kiếp nhân sinh. Trái lại, đi vào cõi bao la người ta nhận ra được nỗi hân hoan trong lòng. Khi bắt được cái nhịp của trời đất, lòng ta bỗng reo ca, nhảy múa trong một hòa âm thuận chiều. Một cái gì đó soi tỏ đời ta như đạo đạt. Đó là cái bước nhảy hân hoan, nối liền trời với đất, của Zorba trên bờ biển. Cái hạnh phúc đó không đến với mọi người. Cái sự hòa nhịp kia cũng không thể có nếu lòng ta không được trang bị vẻ thênh thang của vũ trụ. Có thực sự chạm đến cõi vĩnh phúc vô hình, mới hý lộng, mới nhảy múa say sưa đến thế được .

Cho nên, nói đến chuyện riêng chung của trời đất là nói trong cái lý đó vậy. Cũng không dễ gì tập tành sự độ lượng. Muốn có được phải làm cả một cuộc đổi đời. Thay cái nhìn. Thay trí óc. Và tuyệt đối phải có một con tim đẹp đẽ.

Nếu không, cái tình với cõi bao la kia chỉ là cái tình gian lận. Và còn thú vị gì một cuộc chơi thiếu hào hứng như thế. Trời đất nương ta, nhưng ta vốn như con bệnh, thủy chung không phát giác được gì. Con mắt rêu phong đã đóng kín ta lại với thế giới ích kỷ, hẹp hòi, riêng tư. Làm sao còn nghe ra tiếng hoan ca của thế giới bên ngoài. Nếu bảo là nghe, thì sao lại có thể thiếu hòa điệu đến thế được. Chân tay trì trệ. Đời sống như đóng đinh, xa cách. Đừng mưu toan với trời đất. Hạnh phúc xa lạ kia chỉ dành cho người có lòng. Kẻ hời hợt dễ đàm tiếu, thị phi về cái hạnh phúc đó lắm. Bởi nhìn gần, hạnh phúc đó có vẻ phù du quá. Không mang lại áo cơm. Đến thế thì còn nói thêm được một lời nào nữa. Hãy ôm lấy cái phần của mình. Kẻ nổi trôi gặp người trôi nổi. Cứ theo trời xa đất rộng kia mà rong chơi vui thú một đời vậy.



nguồn: Trịnh Công Sơn - Một nhạc sĩ thiên tài

nguyen

Tổng số bài gửi : 90
Join date : 12/10/2010

Về Đầu Trang Go down

Những bài viết của TCS  Empty Re: Những bài viết của TCS

Bài gửi  nguyen Sat Feb 26, 2011 4:23 pm

Ngày Văn Cao Trở Lại

Trịnh Công Sơn


Chỉ là chuyến đi bình thường nhưng đã thành một sự kiện. Nhạc sĩ Văn Cao vào thăm thành phố Hồ Chí Minh và cái thành phố luôn náo nhiệt làm ăn này dường như đang hằng mong đợi ông. Ba buổi biểu diễn nhạc Văn Cao đã được tổ chức cấp tốc ở nhà Văn hóa Thanh niên, đông hết sức chứa, bất kể những cơn mưa tháng bảy...
Nhạc sĩ Văn Cao trở lại Sài Gòn lần này, với tôi, có điều gì đó không giống những năm trước. Sự có mặt của anh bên cạnh ly rượu làm tôi nhớ đến những người đã vắng mặt. Những anh Nguyễn Tuân, Nguyễn Xuân Khoát, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng. Những con người tài hoa của nghệ thuật cũng như anh Văn mà có thời tôi đã cùng chia những ly rượu sáng chiều ở Hà Nội cũng như ở Sài Gòn. Cái có, không ở đời là chuyện thường tình của cuộc sống, nhưng cứ mỗi lúc có một cái gì gợi nhớ là không thể không ngậm ngùi. Anh Văn Cao là sự gợi nhớ đó.
Cho đến bây giờ tôi vẫn còn bị ám ảnh bởi cái không khí ảm đạm, cô đơn của những mùa thu đông ở Hà Nội, với hình ảnh một Văn Cao ngồi một mình với cốc rượu trước mặt ngày này qua ngày khác. Anh ngồi đó mà như một sự vắng mặt
trước cuộc sống. Ngồi hơn hai mươi năm như một cái bóng. Ly rượu cũng biến
thành cái bóng. Cái bóng của hai người. Người và ly - rượu - người. Thân thiết
chia sẻ cùng nhau những nỗi đời riêng, hiu quạnh, không còn ai khác có thể san
sẻ giùm.
Những ngày này, ở đây, giữa Sài Gòn xưa và nay, tôi thấy ở anh thoáng hiện
những nụ cười yêu đời hóm hỉnh. Dấu hiệu của một sự yêu đời đã trở lại. Vì đời
yêu anh nên anh phải yêu đời. Yêu đời là lẽ sống của những người không bệnh
hoạn.
Anh Văn Cao đã nói với những người yêu nhạc ở thành phố này về tình yêu, về những kỷ niệm xa xưa đã làm nên những bài hát trữ tình của anh. Ai cũng thấy rõ anh đã có một thời yêu đương, một thời mơ mộng. Đừng tưởng tuổi già làm anh cụt hứng với cuộc đời. Anh vẫn yêu, vẫn còn những mộng tưởng êm đềm đối với cuộc sống chung quanh. Như thế, có nghĩa là anh vẫn còn tồn tại dài lâu với cuộc đời chưa hề muốn phụ bạc anh. Vì qua ba buổi trình diễn những ca khúc xưa của anh, mọi người vẫn thấy rõ cái cảm xúc còn dấy lên như một cơn lốc, từ những tiếng vỗ tay không muốn ngừng nơi đám đông người ở một thế hệ quá trẻ.
Thành phố này đã yêu anh - quá khứ, và tiếp tục yêu anh - hiện tại. Đó là món quà lớn cho một đời người làm nghệ thuật. Sống mà không ai quên được mình thật là khó. Anh đã làm được chuyện ấy thật không dễ gì.
Mọi điều xấu tốt rồi sẽ qua đi, không ai để lòng nhớ mãi những câu chuyện
đời. Nhưng tôi biết rằng, và cũng tin rằng, ở nơi đây, trên mặt đất quê hương này,
khi nhiều năm nữa, sẽ qua đi, thì những Thiên thai, Suối mơ, Sông Lô... cũng vẫn
mãi mãi còn vang vọng trong những trái tim yếu mềm vì một thứ nghệ thuật chỉ
dành riêng cho những con người đích thực.
Hai mươi không phải là quá trẻ và bảy mươi chưa phải là đã già. Sự già trẻ
trong nghệ thuật là ở trái tim còn biết rung động và nồng nàn với cuộc sống. Trí
tuệ cũng muốn nói một điều tương tự.
Anh Văn Cao đã từng cùng bằng hữu của anh đi qua cuộc đời này và chắc
anh không nghĩ khác rằng trái tim và trí tuệ chỉ là một. Trái tim nuôi trí tuệ và
trí tuệ nuôi lại trái tim.
Có bao nhiêu người sẽ còn nhớ lại những đêm Văn Cao ở Sài Gòn? Nhớ bao
lâu và sẽ nhớ đến bao giờ? Những đầu tóc phai màu và những đầu tóc còn xanh.
Có lẽ phải nói thật một điều, dù phũ phàng đến bao nhiêu, sẽ không còn nhớ ai
trong cuộc đời này cả. Người mất đi sẽ bị thiệt thòi. Cuộc sống vẫn cứ êm đềm
hoặc sinh động trôi đi. Những nụ cười. Áo đẹp. Vóc dáng. Xe cộ ngược xuôi. Tình
yêu. Hoa quả cây lá xanh tươi. Quá nhiều điều trong cuộc đời không nhớ hết.
Dù sao vẫn còn sót lại trong lòng tôi một mơ ước là tất cả chúng ta, đã cùng
có mặt trước, sau trong cuộc đời, đối với những ai đã mang đến những khúc hát,
những bản tình ca, những lời rao truyền được hát lên như bi ai hoặc hạnh ca, thì
cũng nên có phút nhẹ lòng được nhớ lại và nghĩ đến.
Tôi nhớ anh Văn Cao như nhớ đến một người đồng hương mà quê quán
không còn vết tích. Tôi vẫn mong chờ ở anh Văn Cao một bản tình ca sau cùng.

Văn Cao - cuối cùng và còn lại – 1998



nguồn: Trịnh Công Sơn - Một người thơ ca - Một cõi đi về

nguyen

Tổng số bài gửi : 90
Join date : 12/10/2010

Về Đầu Trang Go down

Những bài viết của TCS  Empty Re: Những bài viết của TCS

Bài gửi  nguyen Sat Feb 26, 2011 4:24 pm

Lưu bút của Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn về ca khúc "Ướt mi"

Tôi bước chân vào đất đai của nghệ thuật tương đối sớm. Từ tuổi mười ba, mười bốn, tôi đã làm những lưỡi sóng liếm láp mạn thuyền văn nghệ. Trong huyết quản tôi có thể thời ấy đã luân lưu những lượng máu bất bình thường.

Sau một vài biến cố lớn của gia đình, tôi bắt đầu một cuộc sống riêng tư không phẳng lặng. Và từ đó tôi rơi vào một cơn mộng mị triền miên.

Có một vài câu hỏi, với tôi, đã trở thành nỗi ám ảnh: Bài hát đầu tiên của anh là bài gì?

Câu hỏi buộc tôi phải trở về những năm tháng xa xôi. Nhưng khi về đến nơi ấy, trong thời điểm ấy, thì vô tình tôi lạc mình về một quá khứ khác xa xăm hơn nữa. Và rồi tự hỏi: Cái đầu tiên ở nơi nào mà có và điều gì đã sinh ra cái đầu tiên kia?

Bài hát Ướt mi được nhà xuất bản An Phú ấn hành tại Sài Gòn năm 1959, Thanh Thúy hát ở những phòng trà và nổi tiếng, trở thành giọng hát liêu trai.

Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia.

Rất nhiều bài hát đã được viết trước Ướt mi nhưng ca khúc này tồn tại như số phận của nó và của tôi. Hình như người Nhật rất thích nó vì dàn nhạc giao hưởng Nhật đã thu bài hát này. Riêng tôi không thích lắm.

Người ta có nhiều lý do để thích một bài hát đầu tiên của một tác giả rồi không quên thắc mắc: Thế thì bài hát cuối cùng của anh là bài gì? Sẽ như thế nào?...

Kết thúc của mọi câu chuyện đời đều không giống nhau. Tôi vẫn thường muốn trầm mình trong cái lẽ vô thủy vô chung nhưng người đời cứ thích níu kéo tôi về trong cái lề thói hữu hạn.

Trên đường băng chạy có cái đích để mình đến. Trong nghệ thuật thì khác. Cái cuối cùng có thể là cái vô hạn và biết đâu, nó từng có trước thời hạn mà mình không ngờ. Sự bất tử không có trước có sau mà thường nó nằm ở điểm mà mọi cơ duyên cùng hội tụ.

Tôi không hề có ý định viết bài hát cuối cùng bởi tôi nghĩ rằng thời điểm đó mình không thể nào bắt gặp được. Nếu vì một lý do tôi buộc mình phải lên đường để viết những ý nghĩ cuối cùng trong một ca khúc thì tôi tin rằng, vào lúc đó tôi sẽ cố gắng cởi trói mình thoát khỏi mọi hệ lụy của đời để sống chứ không cần phải nói thêm một điều gì nữa.

Bài hát cuối cùng có lẽ sẽ chỉ mãi mãi là một giấc mơ. Một giấc mơ buồn thảm mà chúng ta cần phải quên đi để mọi thứ biên giới trong cuộc đời trở thành vô nghĩa và nó sẽ không còn tồn tại như một lời thách thức kiêu hãnh nữa.

Bài hát đầu tiên và bài hát cuối cùng, ngẫm ra cũng chỉ là những bọt bèo vô hình vô tướng. Chúng ta vui chơi với nó và chúng ta quên đi. Có kẻ gieo cầu cho người nhặt được. Kẻ nhặt được không chắc là vui mãi. Kẻ không được cũng chẳng nên lấy nó làm điều.

Hơn ba mươi năm trước có một bài hát đầu tiên, như một trái cầu gieo, có chắc gì hạnh phúc? Không chắc gì hạnh phúc thì sao lại cần phải có bài hát cuối cùng.



Trịnh Công Sơn


nguyen

Tổng số bài gửi : 90
Join date : 12/10/2010

Về Đầu Trang Go down

Những bài viết của TCS  Empty Re: Những bài viết của TCS

Bài gửi  nguyen Sat Feb 26, 2011 4:25 pm

Tôi Đã Mơ Thấy Chuyến Đi Của Mình

Càng sống nhiều người ta càng thấy cái chết dễ dàng đến với bất cứ một ai. Chết quá dễ mà sống thì quá khó. Hôm qua gặp nhau đấy, ngày mai lại mất nhau. Sống thì có hẹn hò hôm này hôm mai. Chết thì chẳng bao giờ có một cuộc hẹn hò nào trước. Một buổi sáng cách đây 4 năm, lúc tôi đang ngồi uống rượu với bạn, mẹ tôi bảo: "Mạ đi chơi một chút nghe!". Thế rồi một giờ sau tôi được điện thoại báo tin mẹ tôi đã mất tại nhà một người bạn.

Nhạc sĩ Xuân Hồng cũng đã từ biệt chúng tôi như thế. Không kịp nói một lời, không kịp đưa tay vẫy chào bạn bè, vẫy chào cuộc sống. Thế kỷ 21 thế mà cũng khó đến được dù chỉ còn mấy năm.

Càng yêu ta càng thấy: có tình yêu thì khó mà mất tình thì quá dễ. Hôm qua mới yêu nhau đấy, hôm nay đã mất rồi. Mất sạch như người đi buôn mất hết vốn liếng. Cứ tự an ủi mình khi nghĩ rằng mình đau khổ thì có một kẻ khác đang hạnh phúc. Và biết đâu cái thời gian mình được yêu thì có người khác cũng đang đau khổ vô cùng. Nghĩ thế thì thấy cuộc đời bỗng nhẹ nhàng hơn và cũng dễ tha thứ cho nhau. Sống mà giữ mãi trong lòng những hờn oán thì cũng nặng nề.

Có người bỏ cuộc đời mà đi như một giấc ngủ quên. Có người bỏ cuộc tình mà đi như người đãng trí. Dù sao cũng đã lãng quên một nơi này để đi về một chốn khác. Phụ đời và phụ người hình như cũng vậy mà thôi. Người ở lại bao giờ cũng nhớ thương một hình bóng đã mất. Khó mà quên nhanh, khó mà xóa đi trong lòng một nỗi ngậm ngùi.

Tưởng rằng có thể quên dễ dàng một cuộc tình nhưng hóa ra chẳng bao giờ quên được. Mượn cuộc tình này để xóa cuộc tình kia chỉ là một sự vá víu cho tâm hồn. Những mảnh vá ấy chỉ đủ để làm phẳng lặng một bên ngoài mà thôi. Mỗi một con người vì ngại chết mà muốn sống. Mỗi một con người vì sợ mất tình mà giữ mãi một lòng nhớ nhung…

Cuối cùng thì lòng yêu thương cuộc sống cũng không giữ được đời người. Cuối cùng thì tình yêu cũng không giữ được người mình yêu…


Trịnh Công Sơn



nguồn: Thể Thao Ngày Nay

nguyen

Tổng số bài gửi : 90
Join date : 12/10/2010

Về Đầu Trang Go down

Những bài viết của TCS  Empty Re: Những bài viết của TCS

Bài gửi  nguyen Sat Feb 26, 2011 4:26 pm

Nghĩ về ba người thân thiết

Trịnh Công Sơn


Trịnh Công Sơn nghĩ về ba người phụ nữ thân thiết của mình
- Khánh Ly - một người bạn của định mệnh vĩnh viễn thương yêu nhau.
- Trịnh Vĩnh Trinh - một người em ruột phải bù đắp vì không kịp thấy bố khi vừa ra đời.
- Hồng Nhung - Một người quá gần gũi không biết phải gọi là ai?
- Khánh Ly hát cho một thời vừa lãng mạn vừa đau thương trong chiến tranh hay nhất.
- Vĩnh Trinh - một người thích hát và hát hay những bài hát của anh mình. Lưỡng lự giữa đời ca hát và đời thường. Tuy nhiên cái nghiệp ca hát lại trói buộc ở chặng đời mà mọi ràng buộc khác không còn ý nghĩa nữa. Thế cũng là một điều may mắn cho đời và cho tôi.

- Hồng Nhung làm mới lại những ca khúc của tôi. Có người thích có người không thích. Tuy nhiên tôi thích vì đó là cách biểu hiện mới phù hợp với cái tiết tấu của thời hiện đại - một sự lãng mạn mới. Nó giúp mình có được một chỗ ngồi trong hiện đại chứ không phải là kẻ nhắc tuồng từ quá khứ.

- Khánh Vĩnh Hồng hay Ly Trinh Nhung là điều phải có, gần như tất yếu, trong cuộc đời sáng tác của một người. Mà hình như còn nhiều nữa, như Khánh Hà, Cẩm Vân, Thái Hiền, Thu Hà, Lan Ngọc, Lệ Thu... ôi nhiều lắm vân vân và vân vân

nguyen

Tổng số bài gửi : 90
Join date : 12/10/2010

Về Đầu Trang Go down

Những bài viết của TCS  Empty Re: Những bài viết của TCS

Bài gửi  nguyen Sat Feb 26, 2011 4:27 pm

Nhật ký ghi chậm - Tháng Mười Hai Tháng Giêng

Trịnh Công Sơn

* Tháng mười hai mở cửa một phòng tranh.
Một hành lang dẫn vào khách sạn phút chốc bỗng đổi đời, hoá thân, hoá kiếp.
Bắt đầu bằng những panneaux quét sơn trắng được dựng lên, che dần những khoảng trống trần truồng. Thu hẹp ở quãng này, thư giãn một chút ở phía kia.
Thế rồi những bức tranh được treo lên, che khuất, lấp đầy những vết sẹo của gỗ, những đường sơn quét vụng về của những mảng panneaux trắng.
Hành lang không còn là hành lang. Phút trước còn của một đời tục lụy vào ăn vào ngủ. Phút sau đã là chốn tạm trú của tinh thần.
Bữa tiệc đời trông ra như nhẹ nhõm nhưng đã cuốn đi một phần không nhỏ sinh lực của người mở tiệc.
Cái hành lang ấy có phần nào làm ta nghĩ đến khuôn mặt của kép hề, của một cô đào hát khi bước vào sàn diễn.

* Đời sống của phòng tranh ấy không dài. Phòng tranh đi qua một mùa Giáng Sinh và khép lại ở đêm giao thừa của một năm mới.
Đầu năm những bức tranh được gỡ xuống.
Có những bức tranh theo chân ngườI lạ làm một cuộc viễn hành xa xứ.
Có bức lại theo chân khách, sau một cuộc gá nghĩa, về làm bầu bạn ở một nơi nào đó trong thành phố này.
Những bức còn lại trở về chốn cũ.
Những panneaux trắng chỉ còn là panneaux, trơ ra một nỗI buồn vắng lặng.
Rồi panneaux cũng được dỡ ra, xếp lạI, thu gọn phận mình trong một góc tối của phòng kho.
Cái hành lang đã trở lại làm thân hành lang.
Nơi đây đã từng có một cuộc chơi trang nhã và hành lang kia sẽ không còn giữ lại một điều gì trong trí nhớ của mình.
Cũng như những panneaux sẽ xoá đi trong ký ức của mình những phúc giây ngắn ngủi của ngày hội.
Tôi không trở lại phòng tranh cũ. Không chứng kiến buổi tiệc tàn. Nhưng tôi vừa biết được có một cô gái giữ hộ phòng tranh cũng ra đi.
Một cuộc chơi đã mở ra và khép lại.
Cũng như thế, một cuộc đời khi đã mở ra sẽ có lúc khép lại. Đừng buồn.

* Tháng Giêng ra phố.
Có những quãng đường đầy lá vàng. Những đoạn đường khác thì hoa phượng vàng như lót thảm.
Tự nhiên nhớ câu hát của mình: “Sàigon mùa xuân còn thoáng lá vàng bay… Mặt đường bình yên nằm ngoan như con suối. Kết hoa vàng cho lộng lẫy đời…”
Ghé vào khách sạn Bông Sen thăm ngườI bạn ở xa về. Nhân viên phục vụ ở phòng ăn mừng rỡ hỏi thăm. Ba năm rồi còn gì.
Cô Hương phục vụ bàn hỏi: “Vừa rời em của anh có triển lãm tranh phải không?”
Đời sống có những nhầm lẫn trẻ thơ, không nên giận dỗi.
Nó như thế này: TRỊNH CUNG, ĐỖ QUANG EM, TRỊNH CÔNG SƠN
Triển lãm tranh sơn dầu
Có người đi qua đọc vội hàng chữ ở banderole và vô tình để quên dấu phẩy sau chữ QUANG nên mới ra nông nỗi ấy.
Tôi hỏi thăm cô Hương về một người không thấy mặt trong phòng ăn. Mọi người đồng loạt trả lời: “Anh Tài chết cách đây hơn một năm rồi.”
Một năm rồi, còn bao nhiêu ngườI quen đã chết mà tôi không biết được?
Anh Tài là một người đã lớn tuổi nhưng rất thích hát sau vài ly rượu mời. Hình như nhà văn Nguyễn Quang sáng, Nguyễn Duy, Nguyễn Trung… cũng chưa biết tin này.
Có lẽ phải biết cách sắp xếp để thường lui tới những nơi chốn cũ. Khi ân hận thì mọi chuyện đã qua. Trong mỗi giờ phút đầy rủi may của đời sống, con người sẵn sàng chực bỏ nhau đi nào ai ngờ trước được.
Dẫu sau, một cuộc đời khi đã mở ra sẽ có lúc khép lại. Đừng buồn.

* Tháng Giêng Tây có trong không khí chút se lạnh lúc chiều hôm. Loáng thoáng đâu đó cái dáng dấp mong manh của một mùa Tết sắp đến.
Một cuối năm âm lịch sắp đóng lại để mở ra một tháng Giêng là tháng ăn chơi mới.
Những phòng tranh của tháng Mười Hai đã đóng lại để mở ra những phòng tranh khác.
Những sân khấu đã mở ra khép lại hàng đêm, chập chùng như cánh bướm, không kịp để dấu vội một nỗi buồn.
Những cuộc đời đã mở ra, khép lạI và còn mở ra mãi mãi…
Có chút hờn giận gì không trên những khoảng khắc trần trụi của mỗi đời sống, của mỗi căn nhà.

nguồn: Hội Ngộ Quán




nguyen

Tổng số bài gửi : 90
Join date : 12/10/2010

Về Đầu Trang Go down

Những bài viết của TCS  Empty Re: Những bài viết của TCS

Bài gửi  Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết