Mây Lang Thang
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.

Mùa Xuân - Bài Sưu Tầm...

Go down

Mùa Xuân - Bài Sưu Tầm...  Empty Mùa Xuân - Bài Sưu Tầm...

Bài gửi  nguyen Tue Jan 11, 2011 8:48 am

Mùa Xuân về với cội nguồn


TTO - 29 Tết. Tôi về đến nhà khi ánh nắng cuối cùng còn ráng đỏ một góc trời. Hai đứa em tôi chạy ùa ra cổng ríu rít đón tôi. Không biết do khí trời trong lành ở đồng nội hay bởi sắc xuân đang đầy ắp khắp quê nhà, khiến lòng tôi rạo rực và bồi hồi khôn xiết.
Đúng thật ở quê! Bao nhiêu là giấy đỏ mực tàu chữ Phúc, ba và các em tôi đã dán khắp nhà trước giờ đón ông bà. Từ cổng nhà đến cối giã gạo; từ cây khế, cây xoài, gốc mít… đến chạng bếp, cối xay; từ cửa cái, cửa sau đến lu đựng thóc, giếng nước, chuồng trâu, một màu đỏ thắm với đầy đầy Phúc Phúc rộn rã mừng xuân.
Ba tôi đang sửa lại cây nêu cao vút trước nhà nhìn tôi cười đầm ấm. Mẹ tôi vừa châm thêm nước vào thùng bánh tét to đùng ở sân sau, vừa cất tiếng hỏi: “Con về rồi ư? Đi xe có phải chen lấn vất vả lắm không con?”. Tôi nhìn ra vườn, những luống hoa trường sanh, hoa vạn thọ chỉ còn lưa thưa dăm chục, vì hẵn ba đã nhổ vao dâng lên bàn thờ và mẹ đã bán được vài gánh ở các phiên chợ Tết. Chỉ còn luống xà lách mở và cải bẹ xanh nõn nà xanh mướt, trông thật mát thật ngon.
Mùng 1 Tết. 0 giờ. Sau giờ phút giao thừa, ba tôi thắp hương và thỉnh chuông, mẹ tôi và chị em tôi cùng quỳ xuống dâng hương lễ Phật, lạy ông bà và chúc Tết ba mẹ. Sau đó chúng tôi cùng thức với mẹ bên thùng bánh tét. Anh chị em lâu ngày gặp nhau, cười nói huyên thuyên cho đến khi cây củi cuối cùng cháy hết và hương nếp, hương đậu bay thơm nồng vào tận nhà trong.
Vẫn như mọi năm, sáng mồng một Tết cả gia đình chúng tôi đều về nhà tự - nhà của bác Hai - cũng chính là nhà thờ cửu huyền thất tổ, ông bà… Đây là tập tục từ xưa mà dòng họ tôi luôn luôn trân trọng giữ gìn. Mỗi sáng mồng một Tết, giờ xuất hành đầu tiên, dù có tốt hay xấu, tất cả con cháu đều quay về nhà tự dâng hương lễ ông bà. Nhìn đàn con cháu rồng rắn xếp hàng trước cửa nhà tự, từ vai lớn như bác, cô, chú đến con, cháu, chắt chờ đến phiên mình vào lạy ông bà, mừng tuổi người lớn, nói rõ tên mình là con ai, cháu ai giống như điểm danh, khiến bọn trẻ con run lên vì sợ. Ba tôi thì bảo: “Con cháu ở xa, mỗi năm mới đoàn tụ một lần, phải làm vậy để nhìn nhau cho rõ, nhớ nhau cho nhiều, không khéo ra đường ôm đầu đánh nhau”. Nào phải ít, hơn 4-50 đứa, không xưng không lễ làm sao nhớ hết.
Sau những lời chúc Tết, những lời hỏi thăm và con cháu quây quần nhận phong bao lì xì, rồi thì cùng nhau ngồi xếp bằng trên bộ ván dài 6-7 mét, ăn bữa cơm chay vừa mới dọn xuống sau khi cúng. Bọn trẻ con không ăn, chúng bóc vội miếng bánh tét hoặc miếng cốm ngốn đại rồi cùng ùa ra sân đùa giỡn.
Buổi sáng đầu năm, cả gia tộc đoàn tụ, yêu thương, hạnh phúc dâng đầy và cùng hướng về ân đức tổ tiên để cùng cảm nhận một nguồn giao cảm thiêng liêng giữa người sống và người đã khuất.
Vâng, các con đã về, về với cội nguồn, về lại ngôi nhà của gia tộc sau những tháng ngày làm ăn tất bật ở khắp nơi. Nhất là tôi, xa nhà đã 15 năm, hết học rồi đi làm…nên mỗi lần Tết đến là mỗi dịp được quay về với gốc rễ, cội nguồn, với quê nhà của mình. Chỉ có ở đây, tôi mới thực sự được an bình, được yêu thương, được thơ trẻ.

TÂM KHƯƠNG (Phan Thiết)


Được sửa bởi nguyen ngày Sun Jan 16, 2011 2:06 pm; sửa lần 1.

nguyen

Tổng số bài gửi : 90
Join date : 12/10/2010

Về Đầu Trang Go down

Mùa Xuân - Bài Sưu Tầm...  Empty Tết Huế

Bài gửi  nguyen Tue Jan 11, 2011 8:49 am

Tết Huế
Ăn Tết Nguyên đán không phải là phong tục riêng của Huế. Tuy nhiên, Tết Huế có những nét riêng thú vị. Là kinh đô xưa, Huế còn giữ được nhiều cổ tục trong việc đón Tết và ăn Tết.


Chơi đố thơ trên lồng đèn
Trước tiên, là ở phần lễ nghi, cúng kiếng. Nếu ở ngoài Bắc, người ta coi lễ cúng ông Công, ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp là nghi lễ khởi sự cho một cái Tết nên tổ chức rất trọng thị, thì ở Huế lễ cúng ông Táo có phần đơn giản hơn.
Đối với nhiều gia đình người Huế, ngày 23 tháng Chạp đơn thuần là chỉ là ngày thay cát lư hương, quét dọn bàn thờ gia tiên, và tiễn ba ông đầu rau bằng đất nung trên trang bếp ra chân ngôi miếu hay gốc cổ thụ nơi đầu xóm để thay bằng ông Táo mới.
Cái không khí Tết thực sự cảm nhận được phải từ sau ngày 25 tháng Chạp, khi các phường hội thợ thuyền làm lễ cúng tổ nghề, cũng là lễ cúng tất niên, dù một số nghề vẫn tiếp tục hoạt động cho tới tận phút giao thừa như thợ may hay thợ cắt tóc.
Trước Tết, người Huế có thói quen đi thăm các phần mộ tổ tiên. Sau khi quét dọn bàn thờ, thay cát mới cho lư hương và đánh bóng những bộ tam sự, ngũ sự trên bàn thờ gia tiên, mọi người chuẩn bị hương hoa đi thăm viếng phần mộ những người thân đã quá vãng. Họ đến đó, dọn dẹp vệ sinh, chăm sóc những luống hoa, bụi cỏ nơi phần mộ, rồi thắp mấy nén nhang mời người quá cố về ăn Tết với gia đình.
Với những người còn giữ những liên hệ ruột rà nơi quê quán thì lúc này chính là dịp họ trở về thăm bà con nơi quê cũ, biếu người này hộp trà, người kia quả mứt để đón Tết. Đành rằng, người xứ quê có thể mua sắm thật dễ dàng những thứ ấy nơi chợ huyện, chợ làng, nhưng họ thật sự quý trọng những món quà này bởi đó là tấm lòng của những người ly hương nhưng không ly tổ.
Và họ cũng hào hiệp đáp lễ người miệt phố bằng dăm ba ký nếp, cân đậu hay nhành mai chúm chím nụ vàng, lòng những mong cái Tết nơi phố phường sẽ thấm đẫm tình quê hương bản quán.
Với các bà, các chị, Tết là dịp để họ trổ tài nữ công gia chánh. Ngày trước, dường như người ta tự làm tất cả các món ăn mặn ngọt, chay tịnh... mà không phải mua thứ gì. Tết Huế có hàng trăm món ăn: mặn thì có bánh tét, dưa món, thịt bò dầm nước mắm, giò heo bó, chả thủ, nem tré, kim chi chuối chát, hành muối, kiệu chua... ngọt thì đủ loại mứt bánh: mứt gừng, mứt dừa, mứt khoai lang, mứt bí đao, mứt hạt sen, mứt me, mứt cóc, mứt xoài, bánh in, bánh thuẫn, bánh dẻo, bánh bó, chè xanh đánh, chè đông sương, chè khoai tía... Đồ ăn mặn có món gì thì đồ chay có món đó.
Huế vốn nổi tiếng với các món cỗ chay cao cấp trong cung đình xưa và hầu hết các bà nội trợ đất thần linh đều biết nấu được một, hai món chay đặc sắc. Nhờ thế mà cỗ chay ngày Tết rất phong phú và đặc sắc. Ngày nay, tuy hàng quà bánh trái tràn ngập chợ Tết nhưng đa phần phụ nữ Huế vẫn thích tự mình làm các món nhắm như thịt dầm, kim chi và đặc biệt là dưa món, thứ không thể thiếu trong Tết Huế.


Chơi xăm hương
Sự cúng kiếng trong ngày Tết ở Huế mới thực sự cầu kỳ. Trước Tết có cúng ông Táo, cúng tổ nghề, cúng tất niên, cúng lên nêu, cúng rước ông bà về ăn Tết, cúng thần Hành khiển (thần coi sóc trong năm), cúng giao thừa.
Từ sáng Mồng Một Tết trở đi phải cúng ông bà ngày 3 bữa, ngày Sóc cúng chay, ngày thường cúng mặn. Đến chiều mồng Ba phải làm cỗ cúng đưa (tiễn ông bà về lại cõi trên). Tiếp theo là cúng đầu năm, cúng sao, cúng rằm Nguyên tiêu...
Cũng chính nhờ cổ tục này mà người Huế dù đi làm ăn xa ở trong Nam ngoài Bắc, Tết đến, cũng tranh thủ về với gia đình, không chỉ để được sum họp với người sống mà còn như muốn tìm trong không khí thành kính, linh thiêng ấy hình ảnh của những người thân đã khuất bóng.
Đêm giao thừa là lúc gia đình đoàn viên. Khác với ngoài Bắc, ở Huế không có tục hái lộc đầu năm nên người Huế không ra khỏi nhà trước và sau khi giao thừa. Nhờ thế mà cây cối trong các đền chùa ở Huế vẫn giữ nguyên lộc biếc suốt cả mùa xuân.
Mấy năm gần đây, nhà nước có tổ chức cầu truyền hình đêm giao thừa nên một bộ phận cư dân Huế, nhất là lớp trẻ, đã "biệt" ra khỏi nhà vào đêm trừ tịch, song ít ai trở về nhà sau lúc giao thừa. Ấy là bởi cái tục đạp đất. Người Bắc cũng có lệ xông đất, nhưng dân Huế đã gọi rất đúng tên cổ tục này: đạp đất.
Không ai muốn về nhà sau giao thừa bởi họ muốn tránh việc đạp đất nhà mình. Người ta mong người đến đạp đất nhà mình vào sáng Mồng Một Tết là những người có chức sắc, có học vấn, hay là người nhẹ vía, để tài lộc, may mắn sẽ theo họ đến với gia đình suốt cả năm sau đó.
Nhiều gia đình ở Huế còn "ra lệnh" cho con cái, đứa nào nặng vía thì sáng Mồng Một Tết không được dậy sớm, có thức giấc cũng phải nằm yên, chờ đứa khác nhẹ vía hơn, đã được cha mẹ dặn trước từ đêm giao thừa, đặt chân xuống đất trước. Lúc đó, những đứa khác mới được ra khỏi giường.


Ông đồ cho chữ đầu năm
Người Huế thường dành ngày Mồng Một Tết để đi viếng mộ tổ tiên, thăm nhà thờ họ tộc, thăm ông bà, cha mẹ, chúc Tết thầy dạy nghề, dạy chữ... Sang Mồng Hai, mồng Ba, mới tính đến chuyện thăm viếng đồng nghiệp, bằng hữu. Ngày nay, tệ "viếng xếp vi tiên" cũng có le lói ở một đôi nơi, nhưng nếp lễ nghĩa xưa vẫn là phổ biến.
Nói đến Tết, tất phải nói chuyện chơi. Dân Huế xưa chơi Tết thật lắm trò. Không kể những trò trong cung vua phủ chúa, trò vui nơi thôn dã cũng đã phong phú. Trò chơi tập thể có hội bài chòi, đu tiên, đua ghe, đấu vật...
Nơi đầu đường, góc phố có các trò bài vụ, bầu cua tôm cá...; trong mỗi nhà thì có hội bài tới, xăm hường, tứ sắc, bài cẩu... Sau này, đu tiên vắng bóng, bài chòi chỉ còn lại nơi thôn dã, nhưng hội đua ghe trên sông Hương và vật võ làng Sình (Phú Mậu, Phú Vang) vẫn duy trì đều đặn. Hàng năm, trong công viên Thương Bạc vẫn diễn ra hội hợ với các trò vui xuân có thưởng và trong các gia đình người Huế tiếng gieo xúc xắc của trò xắm hường vẫn rộn vang trong ba ngày Tết.
Tết ở Huế còn là dịp để muôn hoa khoe sắc. Ngoài làng Chuồn chuyên nghề làm trướng liễn để treo ngày Tết, Huế còn có làng Thanh Tiên chuyên làm hoa giấy. Từ giữa tháng Chạp, hoa giấy nơi đây theo chân dân làng đi làm đẹp khắp chốn thành kinh. Nhưng đẹp nhất vẫn là những đoá hoa đến từ những làng hoa ven sông Hương: hoa huệ Nguyệt Biều, hoa cúc Bãi Dâu, thược dược Phú Thượng, hoa mai Dương Xuân...
Tất cả đều tụ hội về công viên Phu Văn Lâu cả tuần trước Tết, để từ đó tỏa ra làm đẹp cho mọi miền, mọi nhà của xứ Huế trong dịp Tết. Khoảng chục năm trở lại đây, đi chợ hoa đã trở thành một thói quen của người Huế. Đến chợ hoa, nếu tinh ý, bạn sẽ nhận ra tính cách, khiếu thẩm mỹ, trình độ học vấn và cả sự sang hèn của những hạng người mua hoa và thưởng hoa. Đó cũng là một thú vui của Tết Huế vậy.

Theo TRẦN ĐỨC ANH SƠN

nguyen

Tổng số bài gửi : 90
Join date : 12/10/2010

Về Đầu Trang Go down

Mùa Xuân - Bài Sưu Tầm...  Empty Áo mới chiều 30 tết

Bài gửi  nguyen Tue Jan 11, 2011 8:51 am

Áo mới chiều 30 tết


TTCT - Một năm trôi qua, tuổi thơ tôi bao giờ cũng ngóng đợi chiều 30 tết, chiều cuối cùng năm cũ, chiều cho tôi tấm áo mới chào đón xuân sang.
Không dư dả tiền của, cha mẹ tôi thường phải đợi đến ngày 30 khi chợ tết đã vãn, hàng hóa mềm giá mới tìm mua cho tôi tấm vải may áo vừa tiền.
Vải đưa về, dù chỉ là kaki hay nilông pha len đơn sơ nhưng lòng tôi rộn rã khi đưa sang nhà anh Kỳ thợ may, người anh bà con khuyết tật đã may áo quần cho tôi từ khi tôi học vỡ lòng đến hết cấp ba. Suốt cả chiều 30 tết, tôi luẩn quẩn bên nhà anh Kỳ, nôn nao nhìn đống vải từng giờ, từng phút chậm chạp vơi dần trên bàn máy khâu, không biết bao giờ mới đến tấm vải của mình.
Ngồi dưới bóng cây xoài của bác Đàn mang từ Đà Lạt về trồng trước ngõ, nghe râm ran tiếng pháo đón ông bà tổ tiên về ăn tết, nhìn những bè bạn trẻ thơ lăng xăng quần áo mới trên đường làng, tôi tưởng tượng... Này nhé áo xanh nhạt da trời, có hàng khuy trắng muốt, có chiếc túi xinh xinh trên ngực, rất hợp với chiếc quần kaki xanh đen và đôi giày anh Lộc mua về. Tôi sẽ đi thăm nhà ngoại nhà nội, khuôn mặt tảng lơ như là không để ý nhưng lòng lại run lên khi có ai khen áo đẹp.
Chiều qua rồi đêm xuống, có hôm giáp giờ giao thừa tôi mới có được tấm áo từ tay anh Kỳ trao, đó cũng là chiếc áo cuối cùng trong năm của anh. Áo mới thơm mùi vải, tựa hồ giấc mơ đầy sắc phấn kẻ đường đo dọc ngang, tôi phải nhúng vào nước, đem sấy khô cho kịp xúng xính mặc sáng mai mồng 1 tết, rồi lon ton theo chân mấy anh chị Lộc, Quý, Thi, Hằng đi ra ngõ, tỏa về mấy ngả xóm chúc tết bà con.
Mấy ngày tết đi qua rất nhanh, áo quần mới cũng nhanh lấm lem bụi đất, bánh kẹo... Lúc đó tôi bỗng nhận ra chiếc áo mới đẹp nhất của tôi chỉ có trong chiều 30 tết, và có lẽ đó cũng là thời khắc yêu thương nhớ nhung nhất của một cái tết, bởi ở đó tôi được ngóng chờ năm mới đến trong mộng tưởng khao khát, trong bâng khuâng và hạnh phúc muôn màu. Bao nhiêu năm qua đi, những chiếc áo mẹ mua vải để may chiều 30 vẫn hiện hữu trong ký ức xanh thẳm của tôi, như những kỷ vật của một thời tết nhất thơ ngây yêu dấu.
Bây giờ, chiều 30 tết mỗi năm, nhìn con trai Phượng Minh tung tăng áo mới, tôi như thấy mình của những năm xưa đang lớn dậy trong tấm áo đong đầy thương yêu của cha mẹ. Ôi, tấm áo chiều 30 tết sao mỏng manh nhưng lại vững bền như ngọn núi Thần Đinh soi bóng nguồn Nhật Lệ, cho tôi một điểm tựa mang thời gian trở lại những chiều 30 tết, những ngày xưa hồn nhiên nuôi nấng tuổi thơ tôi.

VĂN CẦM HẢI



nguyen

Tổng số bài gửi : 90
Join date : 12/10/2010

Về Đầu Trang Go down

Mùa Xuân - Bài Sưu Tầm...  Empty Re: Mùa Xuân - Bài Sưu Tầm...

Bài gửi  Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết